Sụt áp nguồn máy tính: Nguyên nhân và giải pháp

sụt áp nguồn máy tính - feature image
Mục lục Nội dung

Sụt áp nguồn máy tính được ví như “cơn ác mộng” của tất cả người dùng. Từ những doanh nghiệp lớn đến người dùng cá nhân, ai cũng từng đối mặt với nỗi lo lắng khi hiệu suất hệ thống giảm sút, linh kiện bị hư hại, thậm chí mất mát dữ liệu quan trọng. Vậy, điều gì gây ra sụt áp nguồn? Khi nào bạn cần quan tâm đến vấn đề này, và quan trọng hơn, làm thế nào để khắc phục triệt để nó? Hãy cùng Jetek tìm hiểu trong bài viết sau đây.

Sụt áp là gì?

Khái niệm

Nói một cách đơn giản, sụt áp nguồn máy tính là hiện tượng điện áp hay hiệu điện thế trong mạch của thiết bị giảm xuống. Trong điều kiện lý tưởng, các thiết bị điện sẽ nhận được một điện áp ổn định, đảm bảo hoạt động tối ưu. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều yếu tố khiến điện áp cung cấp giảm xuống dưới mức quy định, khiến thiết bị hoạt động không hiệu quả, gián đoạn, thậm chí gây hư hỏng thiết bị.

Sụt áp không chỉ là một sự bất tiện nhỏ. Nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất và tuổi thọ của nguồn máy tính, làm tăng chi phí vận hành và giảm năng suất của thiết bị. Việc hiểu rõ nguyên nhân gây ra sụt áp nguồn máy tính và cách giảm thiểu tác động của nó là rất cần thiết. 

Dấu hiệu của hiện tượng sụt áp nguồn máy tính

Chúng ta có thể nhận biết được hiện tượng sụt áp nguồn máy tính thông qua những dấu hiệu bên ngoài bao gồm:

Máy tính khởi động chậm hoặc không khởi động được

Đây là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của sụt áp nguồn máy tính. Khi điện áp cung cấp không đủ, máy tính có thể gặp khó khăn trong việc khởi động các linh kiện, dẫn đến việc khởi động chậm hoặc không thể khởi động.

Máy tính tự động tắt hoặc khởi động lại đột ngột

Sụt áp nguồn máy tính có thể khiến cả hệ thống mất nguồn đột ngột, dẫn đến việc tắt hoặc khởi động lại không mong muốn. Điều này có thể gây mất dữ liệu và làm gián đoạn công việc.

Hiển thị màn hình gặp vấn đề

Những vấn đề đó bao gồm màn hình bị nhấp nháy, tối đen hoặc xuất hiện các đường kẻ ngang. Nguyên nhân cũng bắt nguồn từ điện áp không ổn định dẫn đến sụt áp nguồn máy tính.

Hiệu suất hệ thống giảm sút

Khi điện áp cung cấp không đủ, các linh kiện trong máy tính có thể không hoạt động hết công suất, dẫn đến hiệu suất giảm sút. Điều này có thể biểu hiện qua việc máy tính chạy chậm, các ứng dụng bị treo hoặc đơ, các tác vụ mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành…

Ổ cứng hoạt động bất thường

Sụt áp nguồn có thể khiến ổ cứng hoạt động không ổn định, gây ra các tiếng kêu lạ, lỗi đọc/ghi dữ liệu hoặc thậm chí là mất dữ liệu.

Quạt tản nhiệt kêu to hoặc ngừng quay

Khi điện áp cung cấp cho quạt tản nhiệt không đủ, quạt có thể quay chậm, kêu to hoặc ngừng quay hoàn toàn. Điều này có thể dẫn đến quá nhiệt và gây hư hỏng các linh kiện bên trong máy tính.

Các linh kiện khác bị hư hỏng

Sụt áp nguồn kéo dài có thể gây hư hỏng các linh kiện nhạy cảm như bo mạch chủ, CPU, RAM và card đồ họa.

Nguyên nhân của hiện tượng sụt áp nguồn máy tính

Trước hết bạn cần biết rằng sụt áp là một hiện tượng không thể tránh khỏi trong bất kỳ hệ thống điện nào. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sụt áp và việc hiểu rõ những nguyên nhân này là bước đầu tiên để quản lý và giảm thiểu ảnh hưởng của chúng. Hãy cùng khám phá những nguyên nhân chính gây sụt áp nguồn máy tính dưới đây.

Điện trở dây dẫn

Điện trở là một thuộc tính của các vật liệu dẫn điện, cản trở dòng điện chạy qua. Trong các dây dẫn điện, điện trở sinh ra do sự tương tác giữa các electron và các nguyên tử của chất dẫn.

Khi dòng điện chạy qua dây dẫn, điện trở của vật liệu sẽ gây ra hiện tượng sụt áp nguồn máy tính. Dây dẫn càng dài hoặc diện tích mặt cắt ngang của dây dẫn càng nhỏ thì điện trở càng cao, do đó hiện tượng sụt áp càng lớn.

Các vật liệu có điện trở cao cũng có thể góp phần gây ra hiện tượng sụt áp đáng kể. Vì vậy việc lựa chọn các vật liệu phù hợp và kích thước dây dẫn chính xác có thể giúp giảm thiểu điện trở và hiện tượng sụt áp.

dây dẫn PC

Trở kháng trong các linh kiện nguồn

Trở kháng là một khái niệm mở rộng của điện trở trong các mạch xoay chiều (AC). Ngoài điện trở, trở kháng còn xét đến các hiệu ứng của cảm kháng và dung kháng trong mạch.

Các linh kiện như biến áp, cuộn cảm và tụ điện có thể tạo ra trở kháng trong hệ thống nguồn, dẫn đến hiện tượng sụt áp nguồn máy tính. Thiết kế và lựa chọn các linh kiện với trở kháng thấp có thể giúp giảm thiểu vấn đề này.

Nguồn điện không ổn định

Sự tăng đột ngột về tải điện có thể gây ra sụt áp. Khi nhiều thiết bị hoặc thiết bị nặng được bật đồng thời, sự gia tăng đột ngột về nhu cầu có thể gây ra sụt áp tạm thời.

Tương tự, khi tắt thiết bị lớn, việc giảm đột ngột nhu cầu cũng có thể gây ra biến động điện áp. Việc quản lý và phân phối tải điện hợp lý có thể giúp giảm tác động của những biến động này lên điện áp nguồn.

Nhiệt độ cao

Nhiệt độ có ảnh hưởng trực tiếp đến điện trở của vật liệu dẫn điện. Khi nhiệt độ tăng, điện trở thường tăng theo, dẫn đến sụt áp cao hơn.

Trong môi trường có sự biến động nhiệt độ lớn, điều quan trọng là phải xem xét tác động của nhiệt độ lên dây dẫn và linh kiện của bạn. Việc sử dụng vật liệu cách nhiệt thích hợp có hệ số nhiệt điện trở thấp có thể giúp giảm thiểu ảnh hưởng của nhiệt độ đối với sụt áp nguồn máy tính.

Sóng hài và độ nhiễu chất lượng nguồn điện

Sóng hài là các thành phần tần số cao hơn có thể được chồng lên tần số chính của nguồn điện. Các sóng này có thể được tạo ra bởi các tải phi tuyến, như các thiết bị điện tử, đèn huỳnh quang và các bộ điều khiển tần số.

Sóng hài có thể làm tăng trở kháng của các linh kiện nguồn, dẫn đến hiện tượng sụt áp nguồn máy tính. Ngoài ra, các nhiễu chất lượng nguồn điện khác, như hiện tượng sụt và tăng áp đột ngột, cũng có thể góp phần gây ra hiện tượng sụt áp.

Việc lọc và quản lý sóng hài đúng cách, cũng như sử dụng các thiết bị điều hòa nguồn điện, có thể giúp duy trì điện áp ổn định trong hệ thống nguồn của bạn.

Điều gì xảy ra khi nguồn máy tính bị sụt áp?

Sụt áp nguồn máy tính không chỉ là những bất tiện kỹ thuật đơn thuần. Hậu quả của chúng có thể lan rộng và ảnh hưởng sâu sắc. Nếu bạn từng bất ngờ gặp phải lỗi hệ thống, những trục trặc khi máy tính vận hành, và phải chịu các khoản chi phí sửa chữa đắt đỏ, thì sụt áp có thể là thủ phạm thầm lặng đằng sau. Hãy cùng tìm hiểu những điều có thể xảy ra khi sụt áp nguồn. Đông thời phần này cũng sẽ bật mí cho bạn lý do tại sao việc giải quyết chúng nên là ưu tiên hàng đầu.

Hư hại thiết bị

Hiện tượng sụt áp trong hệ thống nguồn điện có thể gây áp lực không cần thiết lên các thiết bị điện, khiến chúng hoạt động ngoài các thông số tối ưu. Theo thời gian, áp lực liên tục này có thể dẫn đến hao mòn sớm, giảm tuổi thọ của cả nguồn điện và các thiết bị.

Không chỉ vậy, khi điện áp giảm, nhiều thiết bị của hệ thống PC không thể hoạt động hết công suất. Ví dụ, quạt tản nhiệt có thể chạy chậm hơn, đèn màn hình có thể mờ đi, và các thiết bị điện tử nhạy cảm có thể gặp trục trặc hoặc cung cấp kết quả không chính xác. Đặc biệt trong ngành y tế, không có chỗ cho sai sót. Điều này cũng có thể hiểu tương tự với những ngành còn lại. Vì vậy hiện tượng sụt áp có thể để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng và khó khắc phục.

Cuối cùng, tình trạng sụt áp nguồn máy tính nghiêm trọng có thể dẫn đến quá nhiệt thiết bị, gây ra nguy cơ cháy nổ. Hơn nữa, khi các thiết bị cố gắng kéo thêm dòng điện để bù lại sự sụt áp, nguy cơ quá tải mạch có thể xảy ra.

Gián đoạn công việc

Sụt áp nguồn máy tính là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến thiết bị tắt đột ngột. Điều này có thể khiến các dây chuyền sản xuất bị dừng lại, gián đoạn trung tâm dữ liệu hoặc các quy trình quan trọng khác. Nói cách khác, sụt áp làm giảm năng suất và gây tốn kém chi phí cho cá nhân cũng như doanh nghiệp. Chúng còn gây ra cảm giác khó chịu cho người dùng trong thời gian chờ khắc phục sự cố.

Đối với các nhiệm vụ dựa vào lưu trữ hoặc truyền dữ liệu liên tục, sụt áp có thể dẫn đến mất hoặc hỏng dữ liệu. Điều này có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho hoạt động của cá nhân và doanh nghiệp.

Chi phí sửa chữa, bảo trì

Hiện tượng sụt áp nguồn máy tính có thể khiến thiết bị thường xuyên gặp trục trặc hơn về lâu dài, dẫn đến nhu cầu sửa chữa hoặc thay thế thiết bị/nguồn điện thường xuyên. Thời gian ngừng hoạt động dù với đối tượng nào cũng dẫn đến những thất thoát về mặt tiền bạc. Và, mặc dù có vẻ như ngược đời, sụt áp có thể khiến các thiết bị tiêu thụ nhiều điện hơn, dẫn đến tăng mức tiêu thụ năng lượng và hóa đơn tiền điện cao hơn.

Một số giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng sụt áp nguồn máy tính

Sử dụng dây dẫn có chất lượng cao

Chọn dây dẫn có tiết diện đủ lớn để giảm thiểu điện trở và sụt áp. Dây dẫn có tiết diện lớn hơn giúp giảm trở kháng và tổn thất điện năng. Ngoài ra bạn cũng nên chú ý đến chất liệu của dây dẫn. Bạn nên sử dụng dây dẫn bằng đồng thay vì nhôm, vì đồng có điện trở suất thấp hơn, giúp giảm tình trạng sụt áp nguồn máy tính.

sụt áp nguồn máy tính - 2

Sử dụng các linh kiện có trở kháng thấp

Đối với nguồn máy tính, bạn nên nghiên cứu và sử dụng sản phẩm có các linh kiện có trở kháng thấp để giảm thiểu tổn thất năng lượng và sụt áp. Ngoài ra hãy cân nhắc những sản phẩm có thiết kế mạch điện hợp lý, tránh các đoạn mạch dài không cần thiết và tối ưu hóa dây dẫn điện.

Cải thiện hệ thống nguồn

Đảm bảo nguồn cấp điện cho máy tính ổn định và đủ công suất. Sử dụng bộ lưu điện để cung cấp nguồn điện liên tục và ổn định khi có sự cố mất điện hoặc dao động điện áp.

Kiểm tra và bảo trì thiết bị điện tử định kỳ

Đối với hệ thống PC, bạn hãy định kỳ kiểm tra và bảo dưỡng dây dẫn, đảm bảo các kết nối chắc chắn và không bị oxi hóa, giảm thiểu điện trở và sụt áp nguồn máy tính. Bên cạnh đó, bạn cũng cần đảm bảo hệ thống tản nhiệt hoạt động hiệu quả để tránh tình trạng quá nhiệt, làm giảm hiệu suất và tuổi thọ của linh kiện.

Kiểm soát môi trường sử dụng máy tính

Đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm trong phòng để máy tính ổn định nhằm tránh các tác động tiêu cực lên điện trở của các linh kiện và dây dẫn. Ngoài ra bạn cũng có thể kết hợp sử dụng hệ thống làm mát hiệu quả để duy trì nhiệt độ ổn định cho các thiết bị điện tử, giảm thiểu rủi ro quá nhiệt và sụt áp nguồn máy tính.

sụt áp nguồn máy tính - 3

Kết luận

Sụt áp nguồn máy tính không chỉ là một vấn đề kỹ thuật đơn thuần, mà còn là một mối đe dọa tiềm ẩn đối với hiệu suất, tuổi thọ của hệ thống và cả hoạt động của doanh nghiệp hay cá nhân. Chính vì vậy, việc chủ động ngăn ngừa và khắc phục sụt áp là vô cùng quan trọng.

Bạn hãy đầu tư vào một bộ nguồn máy tính chất lượng, bảo trì nguồn điện định kỳ và quản lý tải điện hợp lý. Đó  là những biện pháp hữu hiệu giúp bạn đảm bảo hệ thống luôn hoạt động ổn định và hiệu quả. Bạn có thể tham khảo những sản phẩm nguồn máy tính chất lượng của Jetek – thương hiệu Việt Nam với hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành. Jetek tự tin mang đến cho bạn những sản phẩm nguồn máy tính với chất lượng sánh ngang với các thương hiệu danh tiếng trên thế giới. Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết chia sẻ thông tin tiếp theo.