Các địa danh ở xứ Huế “tím mộng mơ” trên thùng case Jetek

Nằm trong chiến lược truyền thông “Tự hào thương hiệu Việt”, Jetek đã chọn hoạt tiết in hình các địa danh nổi tiếng cùng màu tím đặc trưng của xứ Huế thơ mộng lên vỏ thùng máy tính của mình. Chúng ta hãy cùng khám phá nhé!

Jetek là thương hiệu duy nhất ở Việt Nam có 17 năm sản xuất, kinh doanh sản phẩm nguồn, vỏ máy tính, cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu ngoại hàng đầu là Corsair, Cooler Master

1. Chùa Thiên Mụ – Chốn linh thiêng và đầy bí ẩn

Chùa Thiên Mụ nổi tiếng với tin đồn “cặp đôi nào yêu nhau cùng lên chùa Thiên Mụ, trở về sẽ chia tay”

Chùa được xây dựng vào năm 1601, vào đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Chùa còn có tên gọi là Linh Mụ, nằm trên đồi Hà Khê, thuộc phường Kim Long, cách trung tâm TP. Huế khoảng 5 km về phía tây. Chùa Thiên Mụ có hướng nhìn ra dòng sông Hương, đây được xem là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Huế.

Theo sử của triều Nguyễn, trong chuyến du ngoạn, chúa Nguyễn Hoàng đã khám phá ra một nơi có sự kết hợp hài hòa giữa núi và sông – ngọn đồi có chùa Thiên Mụ bây giờ. Người dân địa phương kể lại với chúa Nguyễn Hoàng rằng, nơi đây ban đêm thường có bà lão tóc bạc phơ, mặc áo đỏ quần lục xuất hiện, nói rằng sẽ có người đến đây lập chùa để tụ linh khí, giúp đất nước phát triển hùng mạnh. Nghe chuyện, ông bèn lệnh cho dựng ngôi chùa trên đồi, hướng ra sông Hương và đặt tên Thiên Mụ (thiên là trời, mụ là bà cụ).

Chùa Thiên Mụ được xếp vào hai mươi thắng cảnh đất Thần Kinh với bài thơ “Thiên Mụ chung thanh” do đích thân vua Thiệu trị sáng tác và được ghi vào bia đá dựng gần cổng chùa. Năm 1862, dưới thời vua Tự Đức, để cầu mong có con nối dõi, nhà vua sợ chữ “Thiên“ phạm đến Trời nên cho đổi từ “Thiên Mụ” thành “Linh Mụ” (Bà mụ linh thiêng). Mãi đến năm 1869, vua mới cho dùng lại tên Thiên Mụ như trước. Bởi vậy trong dân gian, người ta vẫn dùng cả hai tên khi muốn nhắc đến chùa này.

Ngôi chùa này còn nổi tiếng với tin đồn “cặp đôi nào yêu nhau cùng lên chùa Thiên Mụ, trở về sẽ chia tay” mà người dân Huế ai cũng biết. Theo lời kể, xưa kia, khi chúa Nguyễn còn cai trị ở Đàng trong, tư tưởng lễ giáo phong kiến “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” rất nặng nề. Thời điểm ấy, một đôi trai gái yêu nhau mặn nồng. Tuy nhiên, cô gái là tiểu thư khuê các, xinh đẹp và là con một vị quan giàu có, còn chàng trai lại mồ côi, nghèo đói. Vì vậy, gia đình cô đã ngăn cấm quyết liệt. Quá đau khổ, cả hai đã cùng nhau ra bến thuyền Mụ (phía trước chùa Thiên Mụ) để tự vẫn.

Trớ trêu thay, chàng trai đã chết dưới dòng sông Hương, còn cô gái lại dạt vào bờ và được dân làng cứu sống. Sau đó, gia đình đã đưa cô về và ép lấy một người giàu có. Thời gian trôi qua, nàng dần quên đi những kỉ niệm với chàng trai năm nào, còn chàng nằm dưới sông Hương, chờ người yêu mà không thấy nên uất hận cho số phận mình và “nhập” vào chùa Thiên Mụ, nguyền rằng, bất cứ đôi trai gái nào yêu nhau đến đây thì tình yêu sẽ đổ vỡ và chia tay. Lời nguyền được người đời truyền tới ngày nay, khiến cho chùa Thiên Mụ Huế thêm linh thiêng và huyền bí.

Tuy nhiên, sư thầy đang tu hành tại chùa Thiên Mụ cho biết: “Chuyện người đời nói ở chùa mang lời nguyền tình duyên là không có. Thời xưa trong khuôn viên chùa cây cối rất nhiều. Các đôi tình nhân thường rủ nhau đến chùa, lợi dụng cây cối trong chùa xanh tốt nên đã làm những chuyện trái với luân thường đạo lý. Không thể chấp nhận được điều đó, người dân đã dựng lên câu chuyện về lời nguyền để giữ sự thanh tịnh cho ngôi chùa”.

2. Đàn Nam Giao

Các vua nhà Nguyễn trồng nhiều cây thông trong lăng tẩm của mình và tổ tiên bởi loài cây này là tượng trưng cho người quân tử

Ngày xưa, các bậc đế vương coi mình là thiên tử – con trời, mà trời là đấng chí tôn giữ gìn vận mệnh và ban phát hạnh phúc cho muôn dân nên thường năm họ đều tổ chức long trọng lễ tế trời rất. Vì là con trời, thay trời trị dân nên đích thân nhà vua phải đứng làm chủ tế đàn để chứng tỏ hiếu nghĩa của một người làm con.

Đàn Nam Giao được xây dựng xong vào năm Gia Long thứ 5 (1806) ở làng Dương Xuân, phía nam Kinh thành Huế. Đây là một tổ hợp các công trình kiến trúc gồm Giao đàn, Trai cung, Thần trù và Thần khố trong khuôn viên hình chữ nhật có diện tích đến 10ha. Trung tâm của khuôn viên đàn Nam Giao là Giao đàn, hướng về phía nam, chữ Giao có nghĩa là vùng đất xung quanh kinh thành, nên được gọi là Đàn Nam Giao.

Đàn Nam Giao gồm 3 tầng: tầng trên cùng là Viên đàn, xây thành hình tròn, tượng trưng cho Trời; hai tầng dưới là Phương đàn, xây thành hình vuông, tượng trưng cho Đất, lối kiến trúc thuận theo thuyết tam tài: thiên địa nhân. Đây là nơi diễn ra các hoạt động lễ nghi chính trong lễ tế Nam Giao.

Trong khuôn viên của Đàn Nam Giao ngày xưa trồng rất nhiều thông, một loại cây tượng trưng cho người quân tử. Khi mới xây đàn xong người ta trồng một cụm thông đứng biệt lập ở phía Nam để tượng trưng cho vua Gia Long. Tại khuôn viên này, mỗi hoàng thân và quan lớn đều phải trồng một cây, ở mỗi cây treo một tấm thẻ bằng đồng hoặc bằng đá khắc tên của người trồng. 1834, vua Minh Mạng cũng đã tự tay trồng 10 cây thông ở gần trai cung và đến bây giờ đã tạo nên một rừng thông xanh ngắt bọc lấy toàn bộ khuôn viên đàn Nam Giao.

Sau khi nhà Nguyễn chính thức cáo chung vào tháng 8 năm 1945, đàn Nam Giao không được sử dụng đúng mục đích, dần dần đổ nát, hoang phế qua hai cuộc chiến tranh Đông Dương và chiến tranh Việt Nam ác liệt, giống như nhiều di tích trong quần thể di tích Cố đô Huế.

3. Lăng vua Khải Định

Lăng vua Khải Định là một kiệt tác kiến trúc kết hợp nhiều trường phái như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Romance, Gothique…

Vua Khải Định tên là Nguyễn Phúc Bửu Đảo, sinh ngày 08/10/1885. Hoàng tử Bửu Đảo là con trưởng của vua Đồng Khánh và Hựu Thiên Thuần Hoàng Hậu. Khi vua Đồng Khánh mất, hoàng tử Bửu Đảo mới được 4 tuổi, vì còn quá nhỏ nên Lưỡng cung cùng triều đình dưới sự đồng ý của người Pháp quyết định đưa vua Thành Thái lên ngôi. Đến tháng 4/1916, khi vua Duy Tân bị Pháp đưa đi an trí tại đảo Réunion, triều đình Huế và người Pháp lập Bửu Đảo, lúc bấy giờ là Phụng Hóa Công lên ngôi hoàng đế vào ngày 18/5/1916, lấy niên hiệu là Khải Định. Khải Định mất ngày 06/11/1925, tại vị được 9 năm, hưởng thọ 40 tuổi.

Lên ngôi được 4 năm, vua Khải Định đã lệnh cho các quan trong triều giỏi về địa lý, phong thủy đi chọn lựa thế đất tốt để chuẩn bị xây lăng cho mình.

Sau 4 năm xem xét, tham khảo nhiều tấu trình của các thầy địa lý, vua Khải Định chọn triền núi Châu Chữ làm vị trí để xây cất lăng mộ. Núi Châu Chữ sau đó được đổi tên thành Ứng Sơn và gọi tên lăng theo tên núi là Ứng Lăng.

Ứng Lăng được khởi công xây dựng ngày 4 tháng 9 năm 1920 và kéo dài trong 11 năm mới hoàn tất. Triều đình Huế đã phải huy động hơn một vạn binh lính, tù nhân mở đường, phá núi, làm toại đạo để tạo ra mặt bằng xây dựng. Công việc nặng nhọc hàng ngày, lại nạn thú dữ luôn rình rập, nên nơi đây đã lưu truyền câu ca nổi tiếng:

Châu Ê ơi hỡi châu Ê,

Khi đi thì có, khi về thì không!

Tiền quân Đô thống phủ Lê Văn Bá là người chỉ huy đã trưng tập nhiều thợ nghề và nghệ nhân nổi tiếng khắp cả nước như Phan Văn Tánh, Nguyễn Văn Khả, Ký Duyệt, Cửu Sừ,…Để có kinh phí xây dựng lăng, vua Khải Định đã xin chính phủ bảo hộ cho phép ông tăng thuế điền lên 30%.

Nhà vua cho người sang Pháp mua sắt thép, xi măng, ngói ardoise, sang Trung Hoa, Nhật Bản mua đồ sành, sứ, thuỷ tinh màu để phục vụ cho việc trang trí. Lăng được chia thành 5 tầng sân cơ bản, càng vào trong càng cao dần lên theo quy luật “ngũ hành tương sinh”. Dưới thời Khải Định, chính quyền Việt Nam đã lọt hẳn vào tay thực dân Pháp nên văn hoá nghệ thuật phương Tây thâm nhập mạnh mẽ vào nước ta.

Các nhà nghiên cứu thường đặt lăng Khải Định ra ngoài dòng kiến trúc truyền thống thời Nguyễn bởi cái mới, cái lạ, cái độc đáo, cái ngông nghênh, lạc lõng… tạo ra từ phong cách kiến trúc. Tổng thể lăng là một khối bê tông hình chữ nhật vươn cao tới 127 bậc cấp, như muốn thể hiện khát vọng tự chủ của ông vua bù nhìn này. Sự xâm nhập của nhiều trường phái kiến trúc như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Romance, Gothique… đã để lại dấu ấn đậm nét trên những chi tiết kiến trúc của công trình. Những trụ cổng hình tháp ảnh hưởng từ kiến trúc Ấn Độ, các trụ biểu dạng stoupa của nhà Phật, hàng rào như hệ thống các thánh giá nối kết nhau, nhà bia với những hàng cột hình bát giác, vòm cửa theo lối Romance biến thể… Điều này là kết quả của sự giao thoa văn hoá Đông – Tây trong buổi giao thời và cá tính của vua Khải Định.

Bằng óc thông minh, sự chọn lọc tinh tế và đôi tay tài hoa khéo léo, người thợ Việt Nam đã biến lăng Khải Định trở thành biểu tượng, đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình sành sứ và thuỷ tinh màu. Cho dù bị lên án dưới nhiều góc độ khác nhau nhưng lăng Khải Định đích thực vẫn là một công trình có giá trị cao cả về mặt nghệ thuật và kiến trúc góp phần làm phong phú đa dạng cho quần thể lăng tẩm của nhà Nguyễn, xứng đáng với đôi câu đối:

“Tứ diện hiến kỳ quan, phong cảnh biệt khai vũ trụ

Ức niên chung vượng khí, giang sơn trường hộ trừ tư”

4. Kỳ Đài Huế

Kỳ Đài – Một minh chứng rõ rét cho sự thăng trầm của lịch sử

Kỳ Đài là di tích kiến trúc thời nhà Nguyễn nằm chính giữa mặt nam của kinh thành Huế thuộc phạm vi pháo đài Nam Chánh cũng là nơi treo cờ của triều đình. Kỳ Đài được xây dựng vào năm Gia Long thứ 6 tức 1807 cùng thời gian xây dựng kinh thành Huế. Đến thời Minh Mạng, Kỳ Ðài được tu sửa. Kỳ Đài gồm hai phần: đài cờ và cột cờ.

Đài cờ gồm ba tầng hình chóp cụt chữ nhật chồng lên nhau với chiều cao khoảng 17,5m. Ðỉnh mỗi tầng có xây một hệ thống lan can cao 1 m được trang trí bằng gạch hoa đúc rỗng. Nền ba tầng lát gạch vuông và gạch vồ, có hệ thống thoát nước mưa xuống dưới. Trước đây còn có hai chòi canh và tám khẩu đại bác.

Cột cờ nguyên xưa làm bằng gỗ, gồm hai tầng, cao gần 30 m. Năm Thiệu Trị thứ 6 năm 1846, cột cờ được thay bằng một cây cột gỗ dài hơn 32m. Đến năm Thành Thái thứ 16 tức 1904, cột cờ này bị một cơn bão lớn quật gãy, nên sau phải đổi làm bằng ống gang. Năm 1947, khi quân Pháp tái chiếm Huế, cột cờ lại bị pháo bắn gãy một lần nữa. Năm 1948, cột cờ bằng bê tông cốt sắt với tổng chiều cao 37m  mới được xây dựng như hiện nay.

Kỳ Đài và một đoạn thành Huế Thời Nguyễn, trong tất cả các dịp lễ tiết, chầu mừng, tuần du cho đến việc cấp báo đều có hiệu cờ. Trên đỉnh cột cờ còn đặt một trạm quan sát gọi là Vọng Đẩu. Thỉnh thoảng, lính canh phải trèo lên Vọng Đẩu dùng kính Thiên lý quan sát ngoài bờ biển. Ngày 23 tháng 8 năm 1945, sau khi Bảo Đại thoái vị, lá cờ đỏ sao vàng đã thay thế cho là cờ hình quẻ ly của triều đình Nguyễn.

Trong Sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên trong 26 ngày đêm. Đến ngày 24 tháng 2 năm 1968, đại đội Hắc Báo, thuộc sư đoàn bộ binh 1 Quân lực Việt Nam Cộng Hòa chiếm lại kỳ đài và hạ lá cờ này xuống. Ngày 26 tháng 3 năm 1975, sau khi giành thắng lợi trong Chiến dịch Huế – Đà Nẵng, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lại được kéo lên kỳ đài.

5. Nghênh Lương Đình

Trước đây, người ta phải ngăn con đường đi từ cửa Thể Nhơn (dân gian còn gọi là cửa Ngăn) ra Nghênh Lương Đình, không cho ai qua lại hoặc thấy mặt Vua

Nghênh Lương Đình là một nhà thủy tạ, dùng làm nơi nghỉ chân của nhà vua trước khi đi xuống bến sông để lên thuyền rồng hoặc làm nơi hóng mát. Trước đây, người ta phải ngăn con đường đi từ cửa Thể Nhơn (dân gian còn gọi là cửa Ngăn) ra Nghênh Lương Đình, không cho ai qua lại hoặc thấy mặt vua.

Tòa nhà này được dựng năm Tự Đức thứ 5 (1852) ở bờ Bắc sông Hương, đối diện với Phu Văn Lâu.

Nghênh Lương Đình có kiến trúc kiểu phương đình 1 gian 4 chái. Phía trước và phía sau đều có nhà vỏ cua nối dài. Bộ khung gỗ ở phần trên, nhất là các vì vỏ cua, hệ thống liên ba được chạm trổ công phu. Mái nhà chính lợp ngói hoàng lưu ly, hai nhà vỏ qua lợp ngói liệt men vàng. Nền cao 90cm, bó vỉa bằng gạch vồ, đá thanh, có 13 bậc tam cấp dẫn xuống một hành lang xây sát mặt nước. Cảnh quan xung quanh Đình thoáng đãng, thơ mộng.

Tuy không phải là một công trình đặc sắc về kiến trúc hoặc có quy mô lớn, nhưng Nghênh Lương Đình là một bộ phận không thể tách rời của cụm kiến trúc Nghênh Lương Đình-Phu Văn Lâu và Kỳ đài. Nghênh Lương Đình còn đi vào người bằng cái tên “bến Văn Lâu” trong đoạn ca dao bất hủ:

Chiều chiều trước bến Văn Lâu

Ai ngồi, ai câu

Ai sầu, ai thảm

Ai thương, ai cảm

Ai nhớ, ai trông

Thuyền ai thấp thoáng bên sông

Nghe câu mái đẩy chạnh lòng nước non.

6. UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế

Là một “công trình kiến trúc được xây dựng thời Pháp” do các cơ quan nhà nước quản lý, sau 2 cuộc chiến tranh Pháp, Mỹ đã được tu sửa để làm trụ sở HĐND & UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Hiện tỉnh Thừa Thiên – Huế đang xây dựng khu hành chính tập trung tại khu A – khu đô thị An Vân Dương. Sau khi khu này hoàn thành, trụ sở làm việc của HĐND và UBND tỉnh sẽ di chuyển về đây, dành khu nhà đất ở số 16 Lê Lợi làm Bảo tàng Mỹ thuật Huế.

7. Nghi Môn (Phương Môn)

Nghi Môn hay còn gọi là Phương Môn, là một kiến trúc độc đáo nằm trong Đại nội Kinh thành Huế

Nghi Môn nối Ngọ Môn với Sân Đại Triều Nghi phía trước là chiếc cầu Trung Đạo bằng đá, bắc qua hồ Thái Dịch. Hồ được đào năm 1833 dùng thả sen và nuôi cá cảnh, xung quanh hồ là những cây sứ cổ thụ tỏa ngát hương thơm.

Tại hai đầu cầu có dựng Nghi Môn bằng đồng đúc nổi rất kỳ công gọi là “Long vân đồng trụ”. Trên các ngách trang trí pháp lam ngũ sắc và cả hai mặt đều có gắn bốn chữ hán với các nội dung: “Chính Trực Đẳng Bình” và “Cư Nhân Do Nghĩa” ở Nghi môn phía Nam – gần với vị trí Ngọ Môn, “Cao Minh Du Cửu” và “Trung Hòa Vị Dục” ở Nghi môn Phía Bắc, tức Nghi môn phía đối diện.

8. Cầu Trường Tiền

Khách du lịch mà chưa đứng trên cầu Tràng Tiền là “chưa đi tới Huế”

Cũng như cầu Long Biên bắc qua sông Hồng ở Hà Nội, cầu Trường Tiền là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hương ở Huế, ngay sát kinh thành.

Đây cũng là một trong những cây cầu đầu tiên được xây dựng ở Đông Dương vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX theo kỹ thuật và vật liệu mới của phương Tây với kết cấu thép. Trước đó những cây cầu được xây dựng đều là công trình ngắn, bằng vật liệu tre, gỗ… không bền vững.

Thủa ban đầu, tên chính thức của cây cầu thép bắc qua sông Hương là Thành Thái, rồi Clémenceau, Nguyễn Hoàng… Nhưng vì ngày trước đối diện phía tả ngạn của cầu có một xưởng đúc tiền của Triều Nguyễn, nên người dân nơi đây quen gọi là cầu Trường Tiền.

Mùa thu năm 1896, vua Thành Thái ban chỉ dụ xây dựng cầu sắt và nhấn mạnh: “Chính trị nhân đức không gì quan trọng bằng gia ơn cho dân. Gần đây, phàm tiến hành làm các cầu đường là để tiện cho dân vậy. Nay theo lời Cơ Mật viện tâu nói phía trước sông Hương là quan lộ, nghĩ nên làm một chiếc cầu sắt để tiện thông hành, duy vì phí tổn rất lớn nên còn phải chờ tính toán trù biện”.

Theo nhà văn Bửu Ý (80 tuổi, phường Phú Hội, TP Huế), lúc bấy giờ việc xây cầu qua sông Hương không dễ dàng vì đây vốn là dòng sông duyên dáng, tình tứ.

“Điều kiện thi công thời đó chưa được như bây giờ. Huế đứng trước một thử thách là làm sao có cây cầu bắc qua sông, tạo thuận lợi cho người dân qua lại nhưng cần hết sức tránh xây một công trình quá thô ráp sẽ làm mất đi vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên”, nhà văn nói.

Một năm sau khi vua Thành Thái ban chỉ dụ xây dựng cầu sắt, tháng 4/1897, Toàn quyền Đông Dương Doumer đến Huế và bàn bạc với triều đình tập trung đầu tư để có công trình bền vững lâu dài.

Nhà vua sai bộ Hộ trích giao 190.000 đồng, số còn thiếu do phía Pháp giúp đỡ. Việc thi công cầu được giao cho hãng Eiffel.

Khi cầu Trường Tiền bắt đầu được xây dựng, vua Thành Thái là người đặt viên đá đầu tiên. Sau hai năm, cây cầu gồm 6 nhịp dầm bằng thép hình chiếc lược ngà (bán nguyệt), nền lát gỗ lim được hoàn thành.

Người dân xứ Huế quen với câu ca “Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp…”, nhưng chính xác cầu có sáu nhịp và 12 vài kết với nhau thành 6 cặp. Cầu có chiều dài khoảng hơn 400 mét tính từ hai mố, nếu tính cả đường dẫn thì độ dài của Trường Tiền khoảng 453 mét, lòng cầu rộng sáu mét. Lúc mới xây dựng, cầu chưa có phần lề dành cho người đi bộ.

“Có thể nói Nhà thầu Eiffel của Pháp đã bỏ nhiều công sức trong việc thiết kế và thi công cầu Trường Tiền. Hình dáng cây cầu với màu nhũ bạc của buổi đầu xây dựng đã tô điểm thêm vẻ đẹp của dòng Hương”, nhà văn Bửu Ý nhận xét.

Kể từ khi Trường Tiền hoàn thành vào năm 1899, người dân xứ Huế đã ba lần chứng kiến cây cầu này đổ sập xuống dòng sông Hương.

“Đây có lẽ là cây cầu nhiều lần gãy nhịp và được dựng lại nhất ở Việt Nam”, nhà văn Bửu Ý nói.

Khi mới hoàn thành, là một cây cầu thép vững chắc với kết cấu và kỹ thuật xây dựng văn minh của phương Tây – cầu Trường Tiền khiến cho chính quyền và nhà thầu hết sức tự hào.

Không ngờ chỉ sau 5 năm (năm Nhâm Thìn – 1904), cơn bão lịch sử đã xô đổ cây cầu thép; cầu có 6 vài thì 4 bị hất đổ xuống lòng sông. Năm 1906, cầu được tu sửa lại và mặt cầu đổ bê tông thay vì lót gỗ lim như trước.

Đến năm 1937, dưới thời vua Bảo Đại, chính quyền tu sửa cầu Trường Tiền với quy mô lớn, đặc biệt là xây dựng thêm hành lang phía ngoài cho người đi bộ, đi xe đạp và 10 vị trí bao lơn ngắm cảnh.

Ngày 19/12/1946, theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến của ta, cầu Trường Tiền bị giật sập để chặn bước quân Pháp. Lúc 2 giờ sáng, một tiếng nổ lộng óc làm rung chuyển cả thành phố. Chiếc vài cầu Trường Tiền tại vị trí nổ bị nâng lên cao, sau đó sập xuống, lệch với nhịp tiếp giáp đến 3 mét. Cuộc kháng chiến ở Cố đô Huế đã mở màn như vậy.

Mãi đến năm 1953, việc tái thiết nguyên dạng cầu mới được thực hiện.

13 năm sau, mùa xuân Mậu Thân, cầu Trường Tiền một lần nữa bị giật sập trong chiến tranh. Đêm 7/2/1968, một tấn thuốc bom đã làm sập nhịp cầu số 4, phá hủy hoàn toàn trụ cầu thứ 3. Sau đó, một chiếc cầu phao lát gỗ theo kiểu dã chiến được dựng lên.

Đã là người dân xứ Huế thì ai nấy đều thuộc lòng mấy câu ca:

Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp

Em theo không kịp, tội lắm anh ơi!

Bấy lâu mang tiếng chịu lời

Anh có xa em đi nữa, cũng tại ông Trời nên xa

Năm 1905, chiếc cầu được đúc lại bằng bê tông cốt thép, nên có câu:

Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại

Cầu Trường Tiền đúc lại xi-moong

Ơi người lỡ hội chồng con

Về đây gá nghĩa vuông tròn nước non…

Qua hơn 100 năm tồn tại, Cầu Trường Tiền mang nặng bao tâm tình của người dân xứ Huế và chất chứa bao nỗi niềm của du khách khắp nơi khi có dịp ghé thăm. Đứng trên cầu đổ bóng xuống dòng sông Hương xuôi dòng, ngó về đầu cầu phía bắc có phường Phú Hòa có lịch sử lâu đời rất sầm uất, trông về phía đầu cầu phía nam có phường Phú Hội đang trên đà phát triển, mới thấy được Cầu Trường Tiền có ý nghĩa lớn lao thế nào đối với xứ Huế.

Đứng trên cầu ta dường như được quay lại những năm tháng oai hùng, được ghi vào lịch sử nước nhà. Ta lại đảo mắt nhìn xuống dòng Hương Giang vẫn lững lờ trôi, điểm tô thêm vài chiếc thuyền rồng Huế trôi nhè nhẹ, đâu đó ban đêm lại nghe những khúc hát của ca trù Huế vang lên khiến con tim xao xuyến đến chi lạ. Chiếc cầu lại càng thêm lung linh hơn nữa khi vào màn đêm, những ánh đèn được phát ra những gam màu nổi bật như tím, xanh, vàng, đỏ… làm cho cây cầu rực rỡ, huyền ảo.

Cầu Trường Tiền theo thời gian vẫn chất chứa một vẻ đẹp mặn mà rất đặc trưng của xứ Huế. Nếu bạn chưa có dịp đến thăm thì thử một lần du lịch Huế chắc chắn cũng sẽ bị vẻ đẹp ấy thu hút.

Ảnh: internet

Fanpage Jetek: Tại đây

Author

Binh Phan Thanh

Leave a Comment

Your email address will not be published. Marked fields are required.

'